Du học

Tác động chung của các Chaebol đối với nền kinh tế Hàn Quốc

Chaebol là động lực thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ Trong một thời gian dài, các Chaebol là động lực thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc và là một tất yếu của chính sách công nghiệp hoá và phát triển của đất nước. Chúng được coi là đầu tàu kéo nền kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, giành ưu thế trong cạnh tranh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển vượt lên ngang hàng với các nước phát triển, tạo điều kiện đưa đất nước vươn lên khai thác và chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới nhanh chóng. Trong những năm 1973 – 1980, các Chaebol không ngừng mở rộng quy mô sản xuất. Sáu Chaebol lớn nhất đạt doanh thu bán hàng tăng bình quân 50.9%/năm trong những năm này. Với sự hỗ trợ của Chính phủ vào những ngành công nghiệp then chốt hướng vào xuất khẩu, đến đầu thập niên 90, Hàn Quốc có 30 Chaebol lớn tạo giá trị sản phẩm chiếm 90% GDP, trong đó 4 Chaebol lớn nhất là Samsung, Hyunedai, Daewoo và LG chiếm 84% GDP và 60% giá trị xuất khẩu. Mỗi Chaebol sản xuất trên 3.000 mặt hàng. Mỗi Chaebol này luôn nằm trong danh sách 50 công ty lớn nhất thế giới và nhanh chóng vươn ra thị trường thế giới, có mặt tại 45 quốc gia, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Lấy ví dụ trường hợp của Hyundai, ngay từ năm 1995, Tập đoàn này có tổng tài sản trên 51 tỷ USD, doanh số 75 tỷ USD với 1000 chi nhánh ở nước ngoài.

Có thể nói Chaebol là bộ xương chính của nền kinh tế, tạo nên bộ mặt Hàn Quốc trước thế giới. Các Chaebol có mối quan hệ chặt chẽ với Chính phủ, là đối tác quan trọng của Chính phủ trong nhiều dự án quan trọng. Chiến lược phát triển kinh tế của Hàn Quốc còn được gọi là chiến lược do Chính phủ điều hành dựa trên mô hình xuất khẩu và lấy Chaebol làm trung tâm. Các Chaebol đã thiết lập được một mối quan hệ hết sức chặt chẽ với Chính phủ. Ngay từ thời kỳ đầu phát triển, Chính phủ đã dành phần lớn viện trợ và các khoản vay tài chính để hỗ trợ thành lập các Chaebol. Ngoài ra các Chaebol còn được hỗ trợ thêm 3 kênh: hỗ trợ tài chính xuất khẩu; cho vay ưu đãi và bảo lãnh cho vay. Cho đến đầu những năm 1980, tất cả các ngân hàng thương mại của Hàn Quốc đều thuộc sở hữu Nhà nước. Do vậy, Chính phủ có thể hỗ trợ cho các khoản vay nợ và cho vay Doanh nghiệp. Các Chaebol thường có liên quan đến các dự án của Chính phủ và Chính phủ cũng ngầm bảo hiểm cho các dự án thất bại của các Chaebol.

Chính những đặc quyền, đặc lợi này đã dẫn đến sự lũng đoạn quá mức của các Chaebol đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Các Chaebol có vai trò và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống chính trị của đất nước. Chủ tịch Hyundai Heavy Industries – Chong Mong Jun- hồi năm 1988 đã được bầu vào quốc hội nước này. Tờ JoongAng Llbo của Hàn Quốc và Viện nghiên cứu chính trị độc lập Đông Á đã từng công bố một danh sách những tổ chức có ảnh hưởng nhất tại phía Nam bán đảo Triều Tiên. Trong danh sách năm tổ chức hàng đầu đã có tới 4 Chaebol, được đánh giá là có ảnh hưởng hơn cả Chính phủ và các Đảng phái chính trị.

Back to top button
Close
Close