Du học

Định hướng về mô hình hoạt động cho các Tập đoàn kinh tế

Do chưa có một định nghĩa, khái niệm thống nhất trong các quốc gia về Tập đoàn kinh tế, để tạo điều kiện linh hoạt cho các Tập đoàn hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau lựa chọn được mô hình phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề và các nguồn lực khác của bản thân doanh nghiệp, Nhà nước sẽ không định ra một mô hình chung cho các Tập đoàn giống như các Tổng công ty 90, 91 trước kia nữa mà tự bản thân các Tập đoàn sẽ lựa chọn một mô hình phù hợp nhất với Tập đoàn mình. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các Tập đoàn lựa chọn được một mô hình phù hợp thì có thể tham khảo một số mô hình sau:

+ Mô hình liên kết ngang: Trong mô hình này, các doanh nghiệp hoạt động trong cùng một ngành nên sẽ có quan hệ với nhau về mặt sản phẩm hay dịch vụ bổ trợ cho nhau hoặc sản phẩm của các doanh nghiệp này cùng hướng tới một nhóm khách hàng hoặc cùng nhóm mục tiêu sử dụng. Trong Tập đoàn, mỗi doanh nghiệp thành viên có thể được phân công chuyên môn hoá và phối hợp, hợp tác để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh theo đặc thù công nghệ của từng ngành. Các doanh nghiệp trong mô hình này thường có số lượng lớn, hoạt động độc lập vì thế cần liên kết lại với nhau để chống lại sự cạnh tranh. Đây có thể là mô hình tham khảo cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất thép, xi măng, giấy, thương mại…

+ Mô hình liên kết dọc: Trong mô hình này, các doanh nghiệp thành viên có quan hệ chặt chẽ với nhau về mặt công nghệ và sử dụng sản phẩm (đầu ra) của nhau. Các doanh nghiệp này liên kết lại với nhau để tạo ra lợi thế chung. Khi đó doanh nghiệp nào có tiềm lực mạnh nhất về kinh tế, nắm giữ các vị trí chủ chốt trong dây chuyền công nghệ, thị trường của Tập đoàn sẽ trở thành công ty mẹ. Công ty mẹ sẽ điều hành, chi phối hoạt động của toàn bộ các công ty con về cả công nghệ, sản phẩm và thị trường. Các Tập đoàn thực hiện hạch toán toàn ngành, hoạt động trong các lĩnh vực bưu chính viễn thông, điện lực, dầu khí có thể tham khảo mô hình này.

+ Mô hình liên kết hỗn hợp: là mô hình mà các doanh nghiệp thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có hoặc không có mối liên hệ trực tiếp với nhau về dây chuyền công nghệ, thị trường… Công ty mẹ trong mô hình này không nhất thiết phải trực tiếp thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh một sản phẩm cụ thể nào mà chủ yếu tập trung vào việc đầu tư, kinh doanh vốn, điều hành quản lý chung hoạt động của cả Tập đoàn. Tuy nhiên, với mô hình này, công ty mẹ đòi hỏi phải rất mạnh về vốn, năng lực quản lý, điều hành cao… Đây là mô hình mà theo chủ trương của Chính phủ trong việc thí điểm thành lập các Tập đoàn kinh tế hướng tới. Nhưng để Tập đoàn theo mô hình này hoạt động hiệu quả thì bản thân mỗi doanh nghiệp thành viên phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo. Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Than – khoáng sản và tàu thuỷ đang hướng tới hoạt động theo mô hình này. Mô hình này đang dần phổ biến trên thế giới và cũng là mô hình mà các Tập đoàn Việt Nam nên hướng tới.

Back to top button
Close
Close