Du học

Nét tương đồng trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp giữa Việt Nam – Nhật Bản

Như chúng ta đã nhận định ở trên, VHDN chịu những ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa quốc gia. Vì vậy muốn tìm hiểu những nét tương đồng về văn hoá doanh nghiệp của hai nước, trước hết chúng ta phải xét tới sự tương đồng trong văn hoá giữa hai quốc gia, nền tảng để xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Lịch sử đã ghi nhận Việt Nam và Nhật Bản là hai nước có nhiều nét tương đồng về văn hóa, đã sớm có những quan hệ giao lưu về kinh tế, văn hóa và đều tiếp nhận nhiều ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa. Là những quốc gia ở phương Đông, từ xa xưa cư dân hai nước đã cùng chia sẻ những đặc tính văn hóa, tâm lý của những người làm nghề nông, trồng lúa nước. Nhân dân hai nước có cùng niềm ngưỡng vọng tổ tiên, sùng bái tự nhiên, coi trọng các mối quan hệ cộng đồng, quan hệ gia tộc và cùng có thái độ ứng xử khoan hòa trong sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày… Là một quốc gia nhiều đồi núi, bốn bề đều giáp biển, người Nhật đã nhận thức được con đường hướng ra biển, năng động và khoáng đạt. Biển Nhật Bản với những dòng hải lưu mạnh mẽ và ấm nóng không chỉ tạo nên những vùng đánh bắt hải sản phong phú mà đây còn là con đường tự nhiên để Nhật Bản giao lưu với các quốc gia láng giềng. Việt Nam là quốc gia có vị trí đặc biệt thuận lợi cho giao lưu phát triển, đón nhận sự du nhập của các nền văn hóa khác nhau. Nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng Nhật Bản, GS.Watabe Tadaio cho rằng ở những vùng núi cao thuộc lãnh thổ Lào, vùng Bắc và Đông Bắc Thái Lan, một bộ phận của bang Than và bang Khoxin của Myanma, một phần ở Quảng Tây, Vân Nam Trung Quốc, miền Đông bang Assam Ấn Độ, phía Bắc và Trung Bộ Việt Nam, rồi cả Nhật Bản… cho đến trước thế kỷ X đều phổ biến tục ăn cơm nếp, do vậy cư dân trong khu vực đó cùng chịu ảnh hưởng của "vòng văn hóa ăn gạo nếp và uống nước chè"

Trên nền tảng sắc thái và văn hóa chung đó, mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản tuy chưa thực sự diễn ra một cách thường xuyên nhưng vẫn được ghi lại trong nguồn sử liệu của hai nước. Từ giữa thế kỷ VIII, đã có nhà sư từ vương quốc Lâm Ấp, vùng đất thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày nay, tới Nhật Bản. Một cách ngẫu nhiên, cũng trong thời gian đó, Fujiwara No Kiyokawa, Abe No Nakamaro cùng một số thành viên sứ bộ Nhật Bản khác là những người Nhật đầu tiên tới Việt Nam, tìm hiểu về đất nước, văn hóa và phong tục người Việt.

Lịch sử còn ghi nhận tinh thần anh dũng, quả cảm của nhân dân Việt Nam và Nhật Bản trong các cuộc đấu tranh giữ vững độc lập dân tộc. Cuối thế kỷ XIII, đế chế Nguyên Mông đã thực hiện chính sách xâm lược, bành trướng đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Là những nước gần kề Trung Quốc, Việt Nam vầ Nhật Bản mặc nhiên trở thành đối tượng chinh phạt của triều đình nhà Nguyên. Trong các năm 1258, 1285 và 1287, Việt Nam đã ba lần bị Nguyên – Mông xâm lược nhưng nhờ có tinh thần "vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức" nên quân dân Đại Việt đã giành được thắng lợi vẻ vang, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và độc lập dân tộc. Đối với Nhật Bản, trong các năm 1274 và 1281, nhà Nguyên cũng đã hai lần cất quân sang xâm lược Nhật Bản, trước sự kháng cự hết sức anh dũng của lực lượng võ sĩ, dân binh Nhật Bản và lại bị những trận bão lớn (Thần phong) nhấn chìm nhiều chiến thuyền, cuối cùng quân Nguyên cũng phải chịu rút về nước. Điều này chứng tỏ nhân dân hai nước đều có chung ý chí chiến đấu, tinh thần quá cả, dám đương đầu với những khó khăn, đề cao tự tôn dân tộc với một lòng yêu nước nồng nàn.

Mặt khác Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia cùng nằm trong vùng ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng đạo Khổng, kinh doanh có đạo đức và triết lý quản lý là sự kế thừa từ việc vận dụng những học thuyết trong tư tưởng của Khổng Tử. Trong đó có thể kể đến hai tư tưởng nổi bật, ứng dụng trong đời sống và thực tiễn kinh doanh đó là "Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác" (kỷ sở bất dục vật thi ư nhân) và "Mình muốn đứng vững thì làm cho người ta đứng vững, mình muốn thành đạt thì cũng làm cho công việc của người khác thành đạt" (kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân). Những quan điểm trên đã đề cao việc kinh doanh gắn liền với đạo đức, ca ngợi những tài năng kinh doanh thực sự, khẳng định mong muốn sự giàu có và lòng nhân ái luôn phải song hành. Những điều trên như kim chỉ nam để các doanh nghiệp nhìn nhận khi tiến hành xây dựng VHDN đồng thời cũng trở thành tiêu chuẩn để chọn và sử dụng người trong doanh nghiệp.

Back to top button
Close
Close