Việc Làm

Đặc điểm của hoạt động xuất khẩu lao động

Đặc điểm của hoạt động xuất khẩu lao động

* XKLĐ là một hoạt động kinh tế

Ở nhiều nước trên thế giới, XKLĐ là một trong những giải pháp quan trọng thu hút lực lượng lao động đang tăng lên của nước họ và thu ngoại tệ bằng hình thức chuyển tiền về nước của người lao động và các lợi ích khác. Những lợi ích này đã buộc các nước xuất khẩu phải chiếm lĩnh ở mức cao nhất thị trường lao động ở nước ngoài, mà việc chiếm lĩnh được hay không lại dựa trên quan hệ cung cầu sức lao động – nó chịu sự điều tiết, sự tác động của các quy luật của kinh tế thị trường. Bên cung phải tính toán mọi hoạt động của mình làm sao để bù đắp được chi phí và có phần lãi vì vậy cần phải có cơ chế thích hợp để tăng khả năng tối đa về cung lao động. Bên cầu cũng phải tính toán kỹ lưỡng hiệu quả của việc nhập khẩu lao động.

Như vậy, việc quản lý Nhà nước, sự điều chỉnh pháp luật luôn luôn bám sát đặc điểm này của hoạt động XKLĐ: Làm sao để mục tiêu kinh tế phải là mục số 1 của mọi chính sách pháp luật về XKLĐ.

* Xuất khẩu lao động là một hoạt động thể hiện rõ tính chất xã hội

Thực chất, XKLĐ không tách rời khỏi người lao động. Do vậy, mọi chính sách pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ phải kết hợp với các chính sách xã hội: Phải đảm bảo làm sao để người lao động ở nước ngoài được lao động như cam kết trong hợp đồng lao động, cũng như đảm bảo các hoạt động công đoàn… hơn nữa, người lao động xuất khẩu dẫu sao cũng chỉ có thời hạn, do vậy, cần phải có những chế độ tiếp nhận và sử dụng người lao động sau khi họ hoàn thành hợp đồng lao động ở nước ngoài và trở về nước.

* XKLĐ là sự kết hợp hài hoà giữa sự quản lý vĩ mô của Nhà nước và sự chủ động, tự chiụ trách nhiệm của tổ chức XKLĐ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

XKLĐ thực hiện trên cơ sở hiệp định, thoả thuận nguyên tắc của các Chính phủ và trên cơ sở của hợp đồng cung ứng lao động.

Nếu như trước đây (giai đoạn 1980 – 1990), Việt Nam tham gia thị trường lao động quốc tế đã xuất khẩu lao động của mình qua các hiệp định song phương, trong đó quy định khá chi tiết về điều kiện lương, ăn ở, đi lại, bảo vệ người lao động ở nước ngoài. Nghĩa là, về cơ bản Nhà nước vừa thực hiện quản lý Nhà nước về hợp tác lao động, vừa quản lý sự nghiệp hợp tác lao động với nước ngoài, Nhà nước  làm thay cho các tổ chức kinh tế cụ thể. Ngày nay, trong cơ chế của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì hầu như toàn bộ hoạt động xuất khẩu lao động đều do các tổ chức xuất khẩu lao động thực hiện trên cơ sở hợp đồng đã ký. Đồng thời, các tổ chức xuất khẩu lao động cũng chịu trách nhiệm tổ chức đưa đi và quản lý người lao động, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế trong hoạt động xuất khẩu lao động. Và như vậy, các hiệp định, các thoả thuận song phương chỉ có tính nguyên tắc, thể hiện vai trò và trách nhiệm Nhà nước ở tầm vĩ mô.

 

Back to top button
Close
Close