Việc Làm

Những tồn tại trong vấn đề xuất khẩu lao động

Một vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xuất khẩu lao động của Việt Nam là tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp ngày càng nhiều, dẫn tới việc một số thị trường phía bạn ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đưa ra một số giải pháp nhằm chấn chỉnh công tác tuyển chọn, đào tạo – giáo dục định hướng, quản lý lao động ở nước ngoài của các doanh nghiệp; đồng thời tìm kiếm, vận động đưa số lao động bất hợp pháp này về nước. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để hạn chế, tiến tới ngăn chặn tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm ăn, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.

Vì vậy để giảm bớt đi những điểm hạn chế và tăng cường những thành tựu cho công tác XKLĐ thì cần tiến hành những giải pháp sau:

Thứ nhất, Bộ lao động – Thương binh và Xã hội cần tiến hành rà soát, đánh giá các yếu tố liên quan và khẩn trương hoàn tất dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ hai, tiếp tục xúc tiến và mở rộng thị trường. Phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu lao động. Đồng thời, kiện toàn Ban Quản lý lao động, đầu tư trang thiết bị, điều kiện làm việc và chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ về phát triển thị trường, về quản lý lao động ở nước ngoài, cũng như đội ngũ quản lý doanh nghiệp XKLĐ.

Thứ ba, làm tốt công tác quản lý lao động ở nước ngoài và đổi mới công tác đào tạo, giáo dục lao động trước khi đi.

Thứ tư, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền. Theo đó, các tỉnh, thành phố  cần rà soát, bổ sung đề án xuất khẩu lao động với các nội dung bao gồm: thông tin, tuyên truyền chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, quy chế, quy trình xuất khẩu lao động với các hình thức phù hợp đến tận thôn, bản, tới người dân với tinh thần thật dễ hiểu.

Đồng thời, xây dựng lộ trình sắp xếp, phát triển doanh nghiệp xuất khẩu lao động theo định hướng, tiêu chí của Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt là đầu tư phát triển cơ sở đào tạo của doanh nghiệp để chủ động tạo nguồn lao động có chất lượng theo yêu cầu của thị trường, xây dựng thương hiệu, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Có cơ chế biện pháp cụ thể để hỗ trợ người lao động, người nghèo vay vốn, học nghề, làm thủ tục XKLĐ.

Để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động thì không chỉ đòi hỏi nỗ lực của các doanh nghiệp mà còn cần tới sự liên kết phối hợp giữa cơ quan nhà nước và bản thân người lao động.

Thực hiện tốt những giải pháp trên chúng tôi tin rằng xuất khẩu lao động của Việt Nam sẽ ngày một mạnh hơn về cả chất lẫn lượng.Và thương hiệu lao động Việt Nam sẽ được khẳng định trên trường Quốc tế.

 

 

 

 

 

 

 

Back to top button
Close
Close